Kiến nghị kéo dài đáo hạn trái phiếu bất động sản đến hết năm 2024 tạo điều kiện cho dòng tiền chảy về thị trường bất động sản đang được khơi thông.
1. Dòng vốn đổ vào bất động sản đang được khơi thông
Theo Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2023, tín dụng bất động sản tăng trưởng 4,68%, tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (4,73%). Đặc biệt, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng với tốc độ cao hơn rất nhiều (17,4%). Điều này cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Trong báo cáo mới nhất, VNDIRECT cũng đưa ra nhận định dòng vốn vay đã và sẽ dễ tiếp cận hơn với các chủ đầu tư bất động sản. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng trong tháng 9 dao động từ 4,99 – 11,8%/năm.
Điển hình, tại các ngân hàng thương mại như TPBank, HDB, VIB, Eximbank…lãi suất cho vay mua nhà dao động chủ yếu trong khoảng 6,8 – 9%/năm. Một số ít ngân hàng có mức lãi vay trên 9%/năm, có thể kể đến như SeABank (9,29%/năm), UOB (9,49%/năm)…
Hiện dòng vốn vào bất động sản vẫn đang chảy đều. Đặc biệt, nguồn vốn FDI đăng ký mới tính đến 20/9 vào ngành bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm khoảng gần 10% tỷ trọng FDI.
Về trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại. 8 tháng đầu năm nay toàn thị trường phát hành khoảng 132 ngàn tỷ, mức giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm toàn năm ngoái (47%).
Theo ông Lực dự báo, các chính sách gỡ vướng được đẩy nhanh sẽ giúp dòng vốn cho thị trường bất động sản “dễ thở” hơn trong thời gian tới.
2. Kiến nghị kéo dài đáo hạn trái phiếu bất động sản đến hết năm 2024
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính liên quan đến Điều 3 tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP, nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp trước đợt cao điểm đáo hạn trái phiếu bất động sản, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và đang trong quá trình dần phục hồi trở lại.
Theo ông Lê Hoàng Châu, cũng giống như năm 2022, trong 9 tháng đầu năm 2023, nhóm các tổ chức tín dụng và bất động sản chiếm phần lớn giá trị huy động từ trái phiếu, đạt lần lượt 48,7 ngàn tỷ đồng và 57 ngàn tỷ đồng, tương ứng giảm 62% và 37%.