Khủng hoảng được coi là hệ quả tất yếu của sự thịnh vượng trước đó. Và nếu chúng ta ở trong giai đoạn đi xuống của chu kỳ thì hầu hết các chủ thể kinh tế đều phải gồng mình chống chọi với những khó khăn và đợi cho đến khi guồng quay của chu kỳ dịch chuyển theo xu hướng đi lên thì các hoạt động kinh tế mới tăng trưởng trở lại.
1. Thuyết chu kỳ kinh tế
Theo định nghĩa của Raymond A. Merriman, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về chu kỳ, tác giả bộ 5 cuốn sách nổi tiếng về chu kỳ của thị trường chứng khoán mang tên “The Ultimate Book on Stock Market Timing”, đồng thời là Chủ tịch của Công ty Phân tích Thị trường Merriman, chu kỳ là một hiện tượng có thể đo lường, xảy ra thường xuyên vào các khoảng thời gian thích hợp.
Trên thị trường tài chính, chu kỳ thường đo lường bằng giá, một điểm thấp trên đồ thị giá được gọi là một đáy, một điểm cao trên biểu đồ được gọi là đỉnh. Chu kỳ bắt đầu bởi một đáy và kết thúc bằng một đáy khác, các đáy thường xuất hiện sau một khoảng thời gian giống nhau. Nếu đáy sau cao hơn đáy trước thì đó là thị trường tăng giá, còn nếu đáy sau thấp hơn đáy trước thì đó là thị trường giảm giá.
Tuy nhiên, theo Raymond A. Merriman, các chu kỳ có các độ lệch chuẩn. Mỗi chu kỳ có một khung thời gian trung bình (khung thời gian chuẩn) nhưng 70-80% các chu kỳ có độ dài lệch 1/6 lần khung thời gian chuẩn. Ví dụ, nếu khung thời gian trung bình của một chu kỳ là 6 tuần thì có 70-80% khả năng chu kỳ sẽ có độ dài 5-7 tuần.